Cần Làm Gì Khi Người Bảo Lãnh Mất?


Khi người đứng bảo lãnh mất, thì hồ sơ bảo lãnh có được tiếp tục không?

Đây là một câu hỏi rất nhiều người thắc mắc.  Khi người bảo lãnh chết thì hồ sơ bảo lãnh chết theo người đứng bảo lãnh.  Luật di trú từ năm 1952, đơn bảo lãnh sẽ tự động bị hủy bỏ, tính từ ngày người đứng bảo lãnh chết hoặc người được bảo lãnh chết.  Nhưng trong trường hợp người bảo lãnh chết, hồ sơ bảo lãnh sẽ không bị hủy bỏ nếu Sở Di Trú USCIS quyết định sự hủy bỏ không thích đáng vì vấn đề nhân đạo.  Khi đơn bảo lãnh được quyết định rằng sự hủy bỏ không thích đáng vì nhân đạo, thì đơn bảo lãnh sẽ được phục hồi (tức là reinstated).  Lợi ích của sự phục hồi là đơn bảo lãnh vẫn được tiếp tục và ngày ưu tiên (tức là priority date) vẫn được giữ như cũ.

Như đã trình bày như trên, những điều luật này đã có từ năm 1952 và không có gì mới lạ hết.  Nhưng đến năm 1996, những hồ sơ nào trong trường hợp nói trên gặp phải trở ngại của mẫu đơn bảo trợ tài chánh.  Vì Đạo Luật Di Trú của năm 1996 đã lập ra điều luật 213A, mà điều luật 213A có sự đòi hỏi là người bảo lãnh phải làm mẫu đơn bảo trợ tài chánh cho người được bảo lãnh.  Tiếp vào đó, điều luật 213A không hề nhắc nhở gì đến trường hợp người bảo trợ chết trước khi người được bảo lãnh nhập cảnh Hoa Kỳ.  Vì điều luật 213A này, sự phục hồi của đơn bảo lãnh như đã trình bày trên không có giá trị trên thực tế.  Dù Sở Di Trú USCIS có phục hồi đơn bảo lãnh đi nữa, Lãnh Sự Hoa Kỳ vẫn từ chối chiếu khán hoặc Sở Di Trú USCIS từ chối hồ sơ thay đổi tình trạng di trú sang thường trú nhân.  Vì không có đơn bảo trợ tài chánh do chính người bảo lãnh đứng ra chịu trách nhiệm như đã định trong điều luật 213A, chính phủ Hoa Kỳ cho rằng đương đơn là gánh nặng cho Hoa Ky khi người đứng tên bảo lãnh qua đời.  Vì sự thiếu sót này, vào ngày 13 tháng 3 năm 2002, Tổng Thống Bush đã ký ban hành đạo luật Family Sponsor Immigration Act of 2002.  Đạo luật này cho phép một người khác bảo trợ tài chánh, không phải người bảo lãnh đứng ra để làm người bảo trợ tài chánh (lý do người đứng đơn bảo lãnh đã qua đời).  Người đứng ra làm người bảo trợ tài chánh phải có liên hệ như sau với người được bảo lãnh:  Vợ hoặc Chồng, Cha hoặc Mẹ ruột, Cha hoặc Mẹ của người phối ngẫu, Anh Chị Em ruột, con trên 18 tuổi, con dâu, con rể, Anh Chị Em của người phối ngẫu, Ông Bà Nội Ngoại, Cháu Nội Ngoại, hoặc người Legal Guardian (tức là người giám hộ được chấp nhận bởi luật pháp).

Trong trường hợp đơn bảo lãnh I-130 đã được chấp thuận mà người đứng tên bảo lãnh không may chết trước khi người được bảo lãnh nhập cảnh Hoa Kỳ, gặp trường hợp như vậy Quý Vị phải báo ngay với Service Center của Sở Di Trú USCIS (tức là trung tâm di trú) nơi mà đơn bảo lãnh I-130 đã được chấp thuận.  Sau khi Service Center của Sở Di Trú USCIS nhận được tin tức người đứng đơn bảo lãnh đã chết, Sở Di Trú USCIS sẽ gửi một lá thơ cho người được bảo lãnh và báo rằng đơn bảo lãnh đã tự động bị hủy bỏ. Ngay lúc đó người được bảo lãnh có thể làm đơn yêu cầu đơn bảo lãnh được phục hồi vì tính cách nhân đạo.  Đơn yêu cầu đó nên nhấn mạnh vào sự khó nhọc, sự khổ cực nếu người được bảo lãnh không được di dân sang Hoa Kỳ.  Quan trọng nhất là đơn yêu cầu phải được kèm theo mẫu đơn bảo trợ tài chánh được ký bởi một trong những người hội đủ điều kiện tài chánh, có liên hệ với gia đình như đã nêu trên.  Thường đơn yêu cầu sự phục hồi được nhiều thiện cảm với Sở Di Trú USCIS nếu đương đơn là vợ hoặc con nhỏ của người bảo lãnh (đã chết) và đang sống tại Hoa Kỳ.  Còn những trường hợp đương đơn ở ngoài Hoa Kỳ, vẫn có thể yêu cầu hồ sơ được phục hồi vì lý do nhân đạo nếu đương đơn bị bỏ rơi lại trong khi cả gia đình đều sống tại Hoa Kỳ.  Trong trường hợp Sở Di Trú USCIS từ chối không chịu phục hồi đơn bảo lãnh thì lúc đương đơn đó có thể đưa sự kiện ra tòa liên bang Hoa Kỳ yêu cầu tòa liên bang xét lại sự quyết định của Sở Di Trú USCIS.  Quí Vị nên hiểu rằng dù là có luật cho phép thay thế người bảo trợ tài chánh, không có nghĩa là đơn xin phục hồi sẽ được chấp thuận.  Đơn xin phục hồi chỉ được chấp thuận nếu đơn của Quí Vị hội đủ điều kiện và đáng được phục hồi vì lý do nhân đạo.

Quí vị nên chú ý rằng những sự trình bày trên được áp dụng vào những trường hợp người bảo lãnh chết trước khi người được bảo lãnh nhập cảnh Hoa Kỳ.  Còn trường hợp người được bảo lãnh mà qua đời thì hiện nay trong bộ luật di trú không có điều luật nào được miễn sự hủy bỏ đơn bảo lãnh nếu người được bảo lãnh mất.  Nghĩa là nếu người được bảo lãnh mất thì vợ hoặc chồng và những người con độc thân dưới 21 tuổi của người được bảo lãnh (tức là những người được đi theo) sẽ không được tiếp tục di dân sang Hoa Kỳ dưới đơn bảo lãnh đó.