Bảo Lãnh Con Nuôi Mồ Côi


Trong những kỳ trước tôi đã trình bày về đề tài bảo lãnh theo diện con nuôi và kỳ này tôi trình bày đến quý vị về đề tài bảo lãnh con nuôi mồ côi.  Sự khác biệt giữa con nuôi mồ côi và con nuôi là:  bảo lãnh con nuôi không có sự đòi hỏi cha mẹ phải là công dân Hoa Kỳ, Cha Mẹ là thường trú nhân cũng được bảo lãnh con nuôi. Nhưng ngược lại bảo lãnh con nuôi mồ côi có sự đòi hỏi là cha hoặc mẹ nuôi phải là công dân Hoa Kỳ. Một đặc điểm khác biệt nữa giữa con nuôi mồ côi và con nuôi là con nuôi mồ côi không có sự đòi hỏi Cha Mẹ nuôi phải sống chung với đứa trẻ ít nhất là 2 năm và sự đòi hỏi người con nuôi phải dưới quyền giám thủ của Cha Mẹ nuôi đủ 2 năm.

Diện bảo lãnh con nuôi mồ côi có ba điều kiện:
Điều kiện thứ nhất:  Đứa trẻ mồ côi phải dưới 16 tuổi.
Điều kiện thứ nhì:  Người bảo lãnh phải là một cặp vợ chồng, nếu còn độc thân thì phải trên 25 tuổi.
Điều kiện thứ ba:  Đứa trẻ phải được xác định là đứa trẻ mồ côi vì sự chết, sự mất tích, sự bỏ rơi, sự thất lạc của cả Cha lẫn Mẹ, hoặc sự nghèo khó của người Cha hoặc người Mẹ.

Đương nhiên một đứa bé không Cha không Mẹ lãnh từ trong viện mồ côi ra được định nghĩa là mồ côi.  Nhưng ngoài ra có nhiều trường hợp không giống như trường hợp vừa nêu trên vẫn được coi là trẻ mồ côi.  Điển hình là có rất nhiều hồ sơ bảo lãnh theo diện con mồ côi mà Cha hoặc Mẹ ruột của đứa nhỏ còn sống trao con mình cho thân nhân nhận làm con nuôi.  Theo luật di trú, khi người Mẹ hoặc người Cha không đủ điều kiện tài chánh để nuôi con mình và trao con mình cho người trong gia đình hoặc một người khác nhận làm con nuôi, người con nuôi đó có thể hội đủ điều kiện và lọt vào định nghĩa con nuôi mồ côi. 

Trước khi nhận một đứa nhỏ làm con nuôi theo diện con mồ côi, cha mẹ tương lai phải chứng minh hoàn cảnh gia đình của họ là một gia đình tốt về căn bản đời sống và đạo lý để nuôi một đứa nhỏ, và cha mẹ tương lai là cha mẹ có tư cách tốt để có thể nuôi đứa nhỏ nên người.  Làm sao chứng minh hoàn cảnh gia đình của cha mẹ tương lai là một gia đình tốt:  Tòa hoặc Sở Di Trú sẽ cho nhân viên của một cơ quan xã hội đến nhà của cha mẹ tương lai để xem xét và nghiên cứu.  Khi cơ quan xã hội đó đã xem xét và nghiên cứu xong, họ sẽ gởi cho Sở Di Trú hoặc Tòa một bản phúc trình của cuộc nghiên cứu.  Sở Di Trú và Tòa cũng cần muốn biết về vấn đề tài chánh của cha mẹ tương lai.  Sau đó sở Di Trú sẽ điều tra cha mẹ tương lai xem họ có bị bất cứ án hình nào không và có bao giờ bị bắt về tội hình luật nào không.  Sở Di Trú điều tra bằng cách lăn tay cha mẹ tương lai và gởi cho FBI, Sở Di Trú cũng sẽ xem xét những hồ sơ của các địa phương nào mà người bảo lãnh đã ở qua.  Sau khi bản phúc trình của cơ quan xã hội và sự điều tra của sở Di Trú có kết quả tốt, thì cha mẹ tương lai mới được Sở Di Trú chấp thuận hồ sơ bảo lãnh con nuôi mồ côi.