Bảo Lãnh Con Nuôi


Trong luật di trú Hoa Kỳ thì việc bảo lãnh theo diện thân nhân được coi là đơn giản nhất và là một diện bảo lãnh được nhiều người biết đến nhất, nhưng lại có rất nhiều người không biết rằng con nuôi là một thành phần quan trọng trong việc bảo lãnh theo diện thân nhân.

Trong bộ luật di trú, chỉ có chữ CHILD (tức là CON) là được định nghĩa.  Những chữ như Anh, Chị, Em, Cha và Mẹ không được định nghĩa trong bộ luật di trú vì những chữ đó tùy thuộc vào chữ CON.  Cho nên định nghĩa chữ CON rất là quan trọng trong luật di trú và con nuôi và con nuôi mồ côi là một phần quan trọng trong định nghĩa chữ CON.

Để được bảo lãnh theo diện con nuôi thì người con nuôi đó phải rơi vào định nghĩa của chữ CON.  Để được xác định là CON thì người con nuôi phải hội đủ 3 điều kiện.
Điều kiện thứ nhất:  người con nuôi phải được nhận làm con nuôi trước khi trở thành 16 tuổi và sự nhận nuôi phải hợp pháp dưới luật pháp của nơi con nuôi được nhận.
Điều kiện thứ nhì:  người con nuôi phải ở chung nhà với Cha hoặc Mẹ nuôi đủ 2 năm và sự ở chung nhà có thể xảy ra trước khi hoặc sau khi được nhận làm con nuôi.
Điều kiện thứ ba:  người con nuôi phải dưới quyền giám hộ của Cha hoặc Mẹ nuôi đủ 2 năm.

Ngoài 3 điều kiện nêu trên, hồ sơ xin con nuôi ở tòa tiểu bang phải làm đúng theo luật lệ của Hague Convention thì hồ sơ xin thẻ xanh mới được chấp thuận.

Khi một người được xác định là con nuôi thì dưới luật di trú người con nuôi đó sẽ được hưởng bất cứ quyền lợi di trú như của một người con ruột.  Con nuôi có thể được áp dụng vào những trường hợp như là Cha hoặc Mẹ nuôi bảo lãnh cho con nuôi, Anh Chị Em nuôi có thể bảo lãnh cho nhau, và Cha hoặc Mẹ nuôi là người được bảo lãnh thì người con nuôi được chung một hồ sơ của Cha hoặc Mẹ nuôi như trong những diện bảo lãnh thân nhân theo diện ưu tiên đó.  Cha hoặc Mẹ nuôi, có thể là một người độc thân, cũng có thể là Ông Bà Nội hoặc Ông Bà Ngoại, và cũng có thể là Anh Chị Cô Chú Bác hoặc một người lạ.

Khi một công dân Hoa Kỳ muốn nhận một người con nuôi ở ngoài nước Hoa Kỳ, điều kiện thứ nhì là điều kiện rất khó để được hội đủ vì sự đòi hỏi người con nuôi phải ở chung ít nhất 2 năm với Cha Mẹ nuôi.  Do đó, đa số Cha hoặc Mẹ nuôi không thể nào bỏ việc làm hoặc đời sống của họ ở Hoa Kỳ để sống chung với người con nuôi ở nước ngoài 2 năm.

Những hồ sơ nhận con nuôi để được quyền lợi di trú sau năm 2013 phải làm đúng theo luật lệ của Hague Convention vì Việt Nam được nhận vào Hague Convention vào năm 2013.  Dù là hồ sơ con nuôi được tòa tiểu bang chấp nhận và làm theo những điều luật di trú Hoa Kỳ mà chúng tôi đã trình bày trên, hồ sơ xin thẻ xanh vẫn bị từ chối nếu hồ sơ con nuôi không làm theo đúng điều luật của Hague Convention.  Chúng tôi thấy nhiều hồ sơ xin thẻ xanh theo diện con nuôi bị từ chối vì người luật sư lo hồ sơ con nuôi không hiểu rỏ luật di trú cho nên hồ sơ con nuôi không làm đúng theo luật của Hague Convention và luật di trú Hoa Kỳ.

Điển hình là hồ sơ nhận nuôi được nộp ở tòa trong vòng một thời gian ngắn sau khi đứa bé nhập cảnh Hoa Kỳ.  Một điều kiện đòi hỏi dưới Hague Convention là đương đơn phải chứng minh là đứa bé nhập cảnh Hoa Kỳ không phải để được nhận làm con nuôi.  Cho nên khi hồ sơ nhận con nuôi được nộp vào tòa án một thời gian ngắn sau khi đứa bé nhập cảnh Hoa Kỳ, Sở Di Trú USCIS sẽ cho rằng đứa bé nhập cảnh Hoa Kỳ là để được nhận làm con nuôi.

Tôi thấy khá nhiều hồ sơ con nuôi đã được văn phòng luật sư ở tiểu bang Texas làm và đa số hồ sơ bị Sở Di Trú USCIS từ chối hồ sơ thẻ xanh vì không làm đúng luật của Hague Convention.  Những quí vị đó liên lạc Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu của chúng tôi để nhờ chúng tôi giúp vì họ nhận được Notice of Intent to Deny (Giấy Ý Định Từ Chối Hồ Sơ).

Một điều mà quí vị cần chú ý là khi một người được xác định là con nuôi và đã hưởng được quyền lợi di trú theo Cha hoặc Mẹ nuôi thì người con nuôi đó sẽ không được bảo lãnh cho Cha Mẹ ruột hoặc Anh Chị Em ruột.