Tình Trạng Của Người Nhập Cảnh Bất Hợp Pháp Từ Biên Giới Phía Nam - Phần 2
Kỳ trước, chúng tôi đã trình bày về trường hợp của những người nhập cảnh Hoa Kỳ bất hợp pháp từ biên giới phía nam, bao gồm những người vào được mà không bị bắt và những người bị bắt nhưng được thả ra trong thời gian ngắn. Kỳ này, chúng tôi sẽ trình bày về những người bị bắt và bị giam giữ bởi Immigration and Customs Enforcement (ICE).
Khi một người muốn nhập cảnh Hoa Kỳ mà không có đầy đủ giấy tờ, họ có thể bị trục xuất theo quy định của “Expedited Removal.” Hình thức trục xuất này khác với trục xuất thông thường vì ICE, chứ không phải Tòa Di Trú, có toàn quyền quyết định việc trục xuất. Theo điều lệ Expedited Removal, những người nhập cảnh bằng đường bộ hoặc đường biển, không được phép vào Hoa Kỳ và chưa sống liên tục ở Hoa Kỳ trong 2 năm trước đó, sẽ bị trục xuất nếu họ bị bắt trong vòng 100 miles từ bất kỳ biên giới đất liền nào của Hoa Kỳ. Phần lớn những người bị bắt tại biên giới đều bị xử lý theo quy định trục xuất này.
Đối với những người bị bắt và bị giam giữ, họ thường bị xử lý theo điều luật “Expedited Removal.” Nếu những người này biểu hiện hoặc bày tỏ nỗi sợ hãi khi trở về quốc gia của mình, lo ngại bị đàn áp hoặc tra tấn, hoặc có ý định xin tị nạn, thì ICE sẽ hoãn tiến hành trục xuất cấp tốc theo điều lệ này và chuyển hồ sơ qua văn phòng tị nạn (Asylum Office) của Sở Di Trú USCIS để được phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn này được gọi là “Credible Fear Interview” (CFI). Nếu phỏng vấn thành công (tức là positive CFI), hồ sơ trục xuất của đương sự sẽ được chuyển từ “Expedited Removal” sang hồ sơ trục xuất thông thường, và đương sự sẽ được cấp Notice to Appear (NTA) để ra hầu Tòa Di trú. Nếu phỏng vấn không thành công (tức là negative CFI), đương sự có quyền yêu cầu Tòa Di Trú xét lại quyết định của văn phòng tị nạn. Theo luật, Tòa Di Trú phải xét xử trong vòng 24 giờ hoặc chậm nhất là 7 ngày. Nếu Tòa Di Trú đồng ý với quyết định của văn phòng tị nạn, đương sự sẽ bị trục xuất theo luật định. Ngược lại, nếu Tòa Di Trú không đồng ý, hồ sơ của đương sự sẽ được chuyển sang hồ sơ trục xuất thông thường, và đương sự sẽ có quyền nộp đơn xin tị nạn.
Khi một người được coi là có credible fear thì ICE không được áp dụng điều luật expedited removal và phải chuyển hồ sơ trục xuất đó sang thành hồ sơ trục xuất bình thường do Tòa Di Trú giải quyết. Dù là hồ sơ được chuyển qua thành hồ sơ trục xuất bình thường, quyết định thả ra hay không là toàn quyền của ICE. Trong trường hợp ICE quyết định thả ra thì cũng nhưng trường hợp trình bày vào kỳ trước là đương sự phải tuân theo các yêu cầu của ICE để tránh bị bắt giam trở lại.
Một vấn đề rất quan trọng, dù là bị bắt và được thả ra trong thời gian ngắn hoặc bị bắt, bị giam giữ, và được thả ra sau khi phỏng vấn thành công, đương sự phải chú ý đến ngày và nơi ra tòa. Nếu đương sự đổi địa chỉ, họ phải thông báo cho Tòa Di Trú trong vòng 5 ngày. Vì nhiều khi tòa dời ngày ra tòa sớm hơn và tòa gửi giấy báo nhưng đương sự không nhận được vì đổi địa chỉ. Nếu đương sự không chứng minh được đã thông báo đổi địa chỉ với tòa trước khi tòa gửi giấy báo thì đơn xin mở lại hồ sơ với tòa sẽ không được chấp thuận.
Tôi đã thấy nhiều trường hợp đương sự không hầu tòa đúng ngày được định, dù là vì quên hoặc nhầm lẫn ngày, dẫn đến việc Tòa Di Trú ra lệnh trục xuất vắng mặt. Khi đã có lệnh trục xuất vắng mặt, cơ hội để tòa mở lại hồ sơ là rất hiếm. Thông thường, đương sự phải chứng minh đương sự đã bỏ lỡ ngày ra tòa do những tình huống đặc biệt nằm ngoài tầm kiểm soát của đương sự, chẳng hạn như: 1) Bệnh nặng hoặc phải nhập viện; 2) Một tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như cái chết hoặc tai nạn của một thành viên trong gia đình; hoặc 3) Thiên tai bất ngờ hoặc các khủng hoảng khác.