Người Chủ Có Trách Nhiệm Phải Xác Minh Quyền Đi Làm Khi Mướn Nhân Viên


Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ (Department of Homeland Security - DHS) gần đây đã thông báo sẽ áp dụng mức phạt cao hơn đối với các nhà tuyển dụng không tuân thủ các quy định phức tạp liên quan đến Mẫu I-9 (Xác minh Tư cách Làm việc - Employment Eligibility Verification). Hơn nữa, chỉ trong vài tháng tới, các nhà tuyển dụng có thể đối mặt với nguy cơ cao hơn bị kiểm tra Mẫu I-9 từ chính phủ. Sau khi có chính quyền mới vào năm 2025, Immigration and Customs Enforcement (ICE) sẽ tập trung trở lại vào việc thực thi luật tại nơi làm việc, bao gồm tang cường kiểm tra Mẫu I-9.

Vào ngày 28 tháng 6 năm 2024, Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ (DHS) đã công bố mức phạt như sau:

  • Vi phạm giấy tờ Mẫu I-9: Từ $281 đến $2,789 cho mỗi Mẫu I-9.
  • Cố ý mướn nhân viên không có giấy tờ hợp pháp (Lần vi phạm đầu tiên): Từ $698 đến $5,579 cho mỗi lần vi phạm.
  • Cố ý mướn nhân viên không có giấy tờ hợp pháp (Lần vi phạm thứ hai): Từ $5,579 đến $13,946 cho mỗi lần vi phạm.
  • Cố ý mướn nhân viên không có giấy tờ hợp pháp (Lần vi phạm thứ ba hoặc nhiều hơn): Từ $8,369 đến $27,894 cho mỗi lần vi phạm.
  • Nhà tuyển dụng sử dụng E-Verify – Không thông báo cho DHS về việc tiếp tục sử dụng lao động sau khi có thông báo cuối cùng không xác nhận: Từ $973 đến $1,942 cho mỗi nhân viên liên quan.


Với mức phạt dành cho việc không tuân thủ các quy định phức tạp liên quan đến Mẫu I-9, tôi nghĩ rằng việc hiểu rõ các quy định về tuân thủ luật di trú dành cho người chủ khi tuyển dụng nhân viên là điều rất quan trọng. Điều này giúp tránh vi phạm các quy định bị cấm và đồng thời có thể cập nhật hồ sơ nhân viên một cách chính xác.

Người chủ có một số trách nhiệm theo luật di trú trong quá trình tuyển dụng. Các quy định về xử phạt nhà tuyển dụng, được nêu trong mục 274A của Đạo luật Di trú và Quốc tịch (Immigration and Nationality Act), đã được bổ sung thông qua Đạo luật Cải cách và Kiểm soát Di trú (Immigration Reform and Control Act) năm 1986. Những quy định này tiếp tục được sửa đổi với việc thông qua Đạo luật Di trú (Immigration Act) năm 1990 và Đạo luật Cải cách Di trú Bất hợp pháp và Trách nhiệm của Người Nhập cư (Illegal Immigration Reform and Immigrant Responsibility Act) năm 1996.

Trong quá trình tuyển dụng, người chủ phải xác minh danh tính và tình trạng được phép làm việc của mỗi người được tuyển dụng sau ngày 6 tháng 11 năm 1986. Người chủ phải hoàn thành và lưu giữ mẫu I-9, Xác minh Tư cách Làm việc (Employment Eligibility Verification), cho mỗi nhân viên phải thực hiện mẫu này.

Dưới luật pháp Hoa Kỳ hiện tại, phương pháp xác minh Mẫu I-9 là phương pháp duy nhất theo luật định để xác minh quyền đi làm của một người. Ngoài chương trình I-9, còn có một phương pháp khác để xác minh quyền đi làm của một người, đó là chương trình E-Verify. E-Verify là chương trình tự nguyện đối với hầu hết các nhà tuyển dụng, nhưng bắt buộc đối với các nhà thầu liên bang và một số nhà tuyển dụng ở một số tiểu bang.

Theo Mẫu I-9, có 3 danh sách A, B, và C của các giấy tờ cần thiết để xác minh danh tính và quyền đi làm của nhân viên:

  • Danh sách A bao gồm những giấy tờ có thể xác minh cả danh tính và quyền đi làm của nhân viên.
  • Danh sách B liệt kê những giấy tờ chỉ xác minh danh tính của nhân viên.
  • Danh sách C gồm các giấy tờ chỉ xác minh quyền đi làm của nhân viên.


Nếu nhân viên trình giấy tờ từ danh sách A (chẳng hạn như hộ chiếu Hoa Kỳ, giấy chứng nhận quốc tịch Hoa Kỳ, hoặc thẻ thường trú nhân), họ không cần phải cung cấp thêm bất kỳ giấy tờ nào khác, vì những giấy tờ này đã xác minh cả danh tính lẫn quyền đi làm của họ.

Tuy nhiên, nếu nhân viên trình giấy tờ từ danh sách B (như bằng lái xe hoặc thẻ căn cước ID), họ phải kèm theo một giấy tờ từ danh sách C hoặc ngược lại. Một vài giấy tờ phổ biến trong danh sách C là giấy khai sinh hoặc thẻ an sinh xã hội (loại không có dòng chữ "phải có giấy phép mới được đi làm" hoặc "không được đi làm"). Các giấy tờ trong danh sách C chỉ xác minh quyền đi làm nhưng không thể xác minh danh tính của nhân viên.

Người chủ phải tuân thủ đúng theo quy định pháp luật, không hơn không kém. Nếu người chủ yêu cầu nhân viên cung cấp giấy tờ ngoài quy định, họ có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Nhân viên có quyền cung cấp bất kỳ giấy tờ nào từ danh sách A, B, hoặc C. Người chủ không được phép yêu cầu nhân viên cung cấp các loại giấy tờ khác ngoài những loại đã được liệt kê trong các danh sách này.