Mẫu Đơn I-601: Điều Kiện Xin Miễn Cấm Nhập Cảnh Khi Có Tiền Án
Một trong những trách nhiệm của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ khi xét duyệt hồ sơ xin thị thực di dân là xem xét xem đương đơn có rơi vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh hay không. Khi đương đơn bị rơi vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ từ chối cấp thị thực và thông báo cho đương đơn về quyền nộp đơn I-601 với Sở Di Trú USCIS để xin miễn điều luật cấm nhập cảnh. Tuy nhiên, việc Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ thông báo cho đương đơn về quyền nộp đơn xin miễn không có nghĩa là đương đơn đủ điều kiện để xin miễn. Dù đương đơn có đủ điều kiện để nộp đơn xin miễn điều luật cấm nhập cảnh, điều đó cũng không đảm bảo rằng Sở Di Trú USCIS sẽ chấp thuận đơn I-601. Đương đơn phải không chỉ đủ điều kiện để xin miễn mà còn phải xứng đáng được miễn thì hồ sơ mới có khả năng được chấp thuận.
Theo điều luật 212(a)(2)(A), bất kỳ người nước ngoài nào bị kết tội, hoặc thừa nhận đã phạm pháp, hoặc thừa nhận có hành vi cấu thành các yếu tố thiết yếu của: 1) tội phạm liên quan đến vấn đề sa đọa đạo đức; hoặc 2) vi phạm bất kỳ luật hoặc quy định nào của một bang, Hoa Kỳ, hay một quốc gia nước ngoài có liên quan đến thuốc phiện sẽ bị cấm nhập cảnh. Quý vị nên lưu ý rằng, theo điều luật 212(a)(2)(A), nếu đương sự không có án tích nhưng thừa nhận phạm pháp thì vẫn có thể bị từ chối và không được cấp chiếu khán. Tiếp theo, điều luật 212(a)(2)(B) quy định rằng bất kỳ người nước ngoài nào bị kết án hai lần hoặc nhiều hơn, bất kể hành vi phạm tội có liên quan đến sa đọa đạo đức hay không, mà tổng thời gian giam giữ là 5 năm hoặc hơn sẽ bị cấm nhập cảnh. Án tích ở Hoa Kỳ hoặc ở quốc gia ngoài Hoa Kỳ đều có ảnh hưởng như nhau.
Khi đương sự có tiền án, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ từ chối cấp chiếu khán và yêu cầu đương sự nộp đơn I-601 với Sở Di Trú USCIS để xin miễn. Đơn I-601 để xin miễn tiền án phải hội đủ hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất là phải chứng minh rằng tiền án xảy ra hơn 15 năm trước khi nộp đơn I-601, hoặc đương sự phải có thân nhân là vợ/chồng, cha/mẹ, hoặc con cái là công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân. Điều kiện thứ nhất này là điều kiện theo quy định của pháp luật (statutory eligibility). Nếu đương sự không hội đủ điều kiện thứ nhất, thì Sở Di Trú USCIS sẽ từ chối đơn I-601 mà không cần xem xét đến điều kiện thứ hai.
Điều kiện thứ hai là Sở Di Trú sẽ xem xét về extreme hardship. Để bộ hồ sơ I-601 được chấp thuận, đương đơn phải hội đủ ba điều kiện: 1) Hội đủ điều kiện để xin miễn cấm nhập cảnh; 2) Nếu đương đơn không được nhập cảnh để đoàn tụ, thân nhân của họ sẽ phải chịu extreme hardship; và 3) Đương đơn phải xứng đáng được miễn. Tức là, dù đương đơn hội đủ điều kiện xin miễn cấm nhập cảnh và thân nhân của họ sẽ phải chịu extreme hardship nếu đương đơn không được cấp visa, mẫu đơn I-601 vẫn có thể bị từ chối vì chính phủ Hoa Kỳ cho rằng đương đơn không xứng đáng được miễn. Vì lý do đó, quý vị không nên nghĩ rằng chỉ cần nộp mẫu đơn I-601 kèm theo một tờ tường trình thì mẫu đơn sẽ được chấp thuận. Dù có con chung, nếu không có những lý do khác, mẫu đơn I-601 cũng có thể không được chấp thuận, vì Tòa Kháng Án Di Trú (Board of Immigration Appeals) đã quyết định rằng lý do duy nhất là sự xa cách gia đình không đủ để chứng minh extreme hardship.
Định nghĩa pháp lý của hai chữ extreme hardship không phải là điều đơn giản. Có rất nhiều tiền án đã được tòa án xét xử nhằm giải thích trường hợp nào được coi là extreme hardship, bao gồm hardship về gia đình, tài chính, y tế, hoặc giáo dục. Những tiền án liên quan đến thương tích thường bị Sở Di Trú USCIS xem xét một cách khắt khe. Sở Di Trú USCIS cho rằng những tội phạm này phải là những tội được coi là “violent and dangerous crimes” (tạm dịch: “tội phạm bạo lực và nguy hiểm”). Họ tuyên bố sẽ không chấp thuận hồ sơ I-601 nếu đương đơn phạm phải “tội phạm bạo lực và nguy hiểm”, trừ khi đương đơn có thể chứng minh rằng nếu không được nhập cảnh, thân nhân của họ sẽ phải chịu “exceptional and extreme unusual hardship” (tạm dịch: “những khó khăn đặc biệt và cực kỳ bất thường”). Nói một cách nôm na, yêu cầu này là rất cao.
Tiêu chuẩn extreme hardship đã khó chứng minh, thì “exceptional and extreme unusual hardship” còn khó hơn gấp nhiều lần. Vì lý do đó, những ai đang trong tình cảnh cần phải nộp mẫu đơn I-601 để xin miễn cấm nhập cảnh, nên liên lạc với một luật sư di trú để được đại diện và hỗ trợ trong việc làm bộ hồ sơ xin miễn cấm nhập cảnh. Luật sư di trú đó sẽ tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của quý vị và thu thập những bằng chứng giá trị để làm cho bộ hồ sơ I-601 đủ khả năng thuyết phục Sở Di Trú rằng nếu thân nhân của quý vị không được nhập cảnh, quý vị sẽ phải chịu extreme hardship và hồ sơ của thân nhân quý vị đáng được miễn.