Cần Làm Gì Khi Hồ Sơ Bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Từ Chối?
Vấn đề lập hồ sơ hôn thú giả để hưởng quyền lợi di trú hoặc ly dị giả để hưởng diện ưu tiên cao hơn không phải là điều mới mẻ và cũng không xa lạ gì đối với Sở Di Trú USCIS và Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ. Trong thời gian qua, Bộ An Ninh Nội Địa và Bộ Tư Pháp đã liên tiếp khám phá ra các vụ gian lận hồ sơ di trú, đặc biệt là ở diện vị hôn phu/vị hôn thê và diện bảo lãnh vợ chồng từ Việt Nam. Vì lý do đó, việc thẩm định hồ sơ cấp chiếu khán đã trở nên rất khó khăn, và khá nhiều hồ sơ bị từ chối sau khi được Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Việt Nam phỏng vấn. Trong số những hồ sơ bị từ chối, có một số bị từ chối một cách oan uổng do đương đơn bị phỏng vấn viên hiểu lầm hoặc Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ dựa vào những lý do vô lý hoặc bằng chứng không cụ thể. Trong những trường hợp này, đương sự cần làm gì để khiếu nại hoặc kháng cáo một cách hiệu quả?
Trước khi đi vào chủ đề nói trên, tôi sẽ trình bày một cách tổng quát về các hồ sơ bảo lãnh và thủ tục từ chối chiếu khán của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ, cũng như quy trình Sở Di Trú USCIS thu hồi sự chấp thuận của hồ sơ bảo lãnh. Sau khi hồ sơ bảo lãnh được Sở Di Trú USCIS chấp thuận, hồ sơ sẽ được chuyển qua Trung Tâm Chiếu Khán Quốc Gia (National Visa Center) để bắt đầu thủ tục xét cấp chiếu khán. Sau khi thủ tục hoàn tất, Trung Tâm Chiếu Khán Quốc Gia sẽ chuyển hồ sơ cho Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ để phỏng vấn người được bảo lãnh.
Khi Sở Di Trú USCIS xem xét hồ sơ bảo lãnh thân nhân, họ chỉ xác định mối quan hệ gia đình hợp pháp giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh theo luật pháp. Nghĩa là, đối với hồ sơ bảo lãnh diện vợ chồng, Sở Di Trú USCIS sẽ xem xét liệu hôn thú giữa vợ chồng có hợp pháp hay không. Nếu một trong hai người từng kết hôn trước đây, họ phải ly dị hợp pháp trước khi kết hôn với người phối ngẫu hiện tại. Đối với hồ sơ diện vị hôn phu/vị hôn thê, người bảo lãnh phải chứng minh rằng họ đã gặp mặt người được bảo lãnh trong vòng 2 năm trước khi nộp đơn, cả hai phải đủ điều kiện hợp pháp để kết hôn, và hôn thú phải được đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ khi người được bảo lãnh đến Hoa Kỳ. Khi các điều kiện bảo lãnh được đáp ứng, Sở Di Trú USCIS sẽ chấp thuận hồ sơ.
Khi Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ phỏng vấn và xem xét hồ sơ, họ sẽ xem xét vấn đề sâu hơn. Trách nhiệm của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ là cấp chiếu khán, nên họ sẽ đánh giá xem mối quan hệ gia đình của hai người có chân thật hay không và người thụ hưởng có vi phạm bất kỳ điều luật nhập cảnh nào của Hoa Kỳ không. Nếu Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ quyết định không cấp chiếu khán vì một lý do nào đó, họ sẽ trả hồ sơ về cho Sở Di Trú USCIS để từ chối, vì Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ chỉ có quyền xét duyệt việc cấp chiếu khán, còn quyền xem xét và quyết định hồ sơ bảo lãnh thuộc về Sở Di Trú USCIS. Sở Di Trú USCIS là cơ quan đã xem xét và chấp thuận hồ sơ bảo lãnh ban đầu, vì vậy chỉ Sở Di Trú USCIS mới có quyền từ chối hồ sơ bảo lãnh.
Theo thủ tục, sau khi nhân viên phỏng vấn của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ quyết định từ chối cấp chiếu khán, hồ sơ sẽ được chuyển cho cấp trên của người phỏng vấn để xem xét lại. Nếu cấp trên đồng ý với quyết định từ chối, hồ sơ sẽ chính thức được trả về Sở Di Trú USCIS. Thời gian từ lúc người thụ hưởng được phỏng vấn đến khi hồ sơ bị trả về Sở Di Trú USCIS có thể kéo dài nhiều tháng. Trong một số trường hợp, thời gian có thể kéo dài hơn nếu Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ muốn điều tra thêm để có đầy đủ chứng từ trước khi từ chối và trả hồ sơ về Sở Di Trú USCIS. Trong những trường hợp này, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ có thể chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra gian lận, và họ sẽ cử người đến tận nhà của người được bảo lãnh để thăm dò và hỏi han hàng xóm. Trong thời gian qua, do đại dịch COVID-19, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ chỉ làm việc qua điện thoại và phỏng vấn cả người bảo lãnh lẫn người được bảo lãnh cùng lúc. Nếu các câu trả lời có mâu thuẫn, gây nghi ngờ về tính chân thật của cuộc hôn nhân, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ quyết định trả hồ sơ về Sở Di Trú USCIS.
Sau khi hồ sơ bị trả về cho Sở Di Trú USCIS, Sở Di Trú sẽ gửi thông báo cho người bảo lãnh rằng họ đã nhận được hồ sơ và sẽ đưa ra quyết định trong thời gian sắp tới. Thời gian chờ đợi từ khi Sở Di Trú nhận được hồ sơ đến khi ra quyết định có thể mất vài năm, do những hồ sơ bị trả về không được ưu tiên xử lý. Thông báo quyết định của Sở Di Trú được gọi là The Notice of Intent to Revoke (tức là thông báo ý định thu hồi sự chấp thuận đơn bảo lãnh). Khi Sở Di Trú gửi thông báo này, họ chỉ cho người bảo lãnh 30 ngày để phản hồi. Người bảo lãnh phải trả lời trong vòng 30 ngày, kèm theo các chứng từ chứng minh mối quan hệ gia đình. Nếu người bảo lãnh không phản hồi, phản hồi sau thời hạn 30 ngày, hoặc không thuyết phục được Sở Di Trú rằng hôn nhân của họ là chân thật, Sở Di Trú sẽ thu hồi sự chấp thuận của hồ sơ bảo lãnh.