Cần Chuẩn Bị Khi Đi Trình Diện
Từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, ông đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp có ảnh hưởng sâu rộng đến chính sách di trú, trong đó có sắc lệnh nhắm vào việc truy bắt những người phạm tội đang ở Hoa Kỳ bất hợp pháp. Mặc dù chính quyền Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ chỉ bắt những người phạm tội, nhưng thông tin cho thấy rằng cả những người không phạm tội cũng bị bắt. Sắc lệnh này ảnh hưởng đến những người Việt đã có lệnh trục xuất nhưng chưa bị đưa về nước do chính quyền Việt Nam không chấp nhận họ, nên họ được thả ra theo quy định “Order of Supervision.”
Sau khi đương sự nhận lệnh trục xuất cuối cùng (final order), Immigration and Customs Enforcement (ICE) có 90 ngày để trục xuất đương sự về quốc gia của họ. “Final order” có nghĩa là quyết định cuối cùng về việc trục xuất. Lệnh trục xuất được coi là “final” khi cả hai bên không còn kháng cáo. Thông thường, hồ sơ được đưa ra tòa di trú và sau nhiều năm xét xử, tòa quyết định trục xuất đương sự. Sau khi tòa di trú ban hành quyết định, cả ICE và đương sự có 30 ngày để nộp đơn kháng cáo. Nếu trong vòng 30 ngày không bên nào kháng cáo, lệnh trục xuất sẽ trở thành final, trừ khi một trong hai bên yêu cầu tòa mở lại hồ sơ trục xuất. Nếu một bên kháng cáo lên Board of Immigration Appeals (BIA) (tức là tòa kháng cáo di trú) trong vòng 30 ngày, lệnh trục xuất chưa phải là final. Sau khi nộp đơn kháng cáo lên BIA, nếu BIA quyết định giữ nguyên lệnh trục xuất, đương sự có 30 ngày để tiếp tục kháng cáo lên tòa án liên bang. Nếu không kháng cáo, lệnh trục xuất sẽ trở thành final; nếu có kháng cáo, lệnh trục xuất vẫn chưa final. Tòa án kháng cáo cao nhất là Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, và đây là cơ quan cuối cùng có thẩm quyền xem xét kháng cáo.
Việc Sở Di trú tịch thu thẻ xanh của đương sự không đồng nghĩa với việc bị trục xuất. Chỉ có tòa án di trú mới có quyền ban hành lệnh trục xuất; không có cơ quan chính phủ nào khác có thẩm quyền này. Nếu sau 90 ngày ICE không thể trục xuất đương sự về quốc gia của họ, ICE phải thả đương sự ra với điều kiện đương sự phải trình diện theo quy định của ICE. Trường hợp này được gọi là “Order of Supervision.”
Theo quy trình hiện nay, khi đương sự bị ICE giam giữ, ICE có 90 ngày để trục xuất đương sự về Việt Nam. Nếu ICE không thực hiện việc trục xuất trong thời gian này, ICE phải đánh giá xem đương sự có cơ hội được Việt Nam chấp nhận hay không. Nếu không có cơ hội, ICE sẽ thả đương sự ra theo quy định “Order of Supervision.” Nếu có cơ hội, ICE có quyền tiếp tục giam giữ đương sự thêm 90 ngày nữa. Thời gian giam giữ tối đa mà ICE được phép áp dụng đối với đương sự là 6 tháng. Nếu sau 6 tháng ICE vẫn không thể trục xuất đương sự về Việt Nam và không chịu thả đương sự ra, đương sự có quyền nộp đơn kiện ICE. Theo quy định hiện hành, những người thuộc diện “Order of Supervision” có quyền xin work permit (giấy phép đi làm). Giấy phép này đặc biệt quan trọng vì họ cần đi làm để kiếm sống và chăm lo cho gia đình. Ngoài ra, giấy phép đi làm còn là điều kiện cần thiết để xin bằng lái xe ở những tiểu bang không cấp bằng lái xe cho người cư trú bất hợp tại Hoa Kỳ.
Theo quy định của ICE, những người trong tình trạng “Order of Supervision” phải trình diện ICE hằng năm hoặc sớm hơn, tùy theo quyết định của ICE. Theo thông tin được biết, sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp, nhiều người khi trình diện với ICE đã bị bắt giam và tiến hành trục xuất. Những ai đã có sẵn hộ chiếu Việt Nam thì ICE dễ dàng đưa họ về nước hơn.